Các sao lóe sáng cận kề Sao_lóe_sáng

Các sao lóe sáng thực chất là mờ nhạt, nhưng đã được tìm thấy ở khoảng cách tới 1.000 năm ánh sáng từ Trái Đất.[3] Vào ngày 23 tháng 4 năm 2014, vệ tinh Chim Yến của NASA đã phát hiện ra chuỗi lóe sáng sao mạnh nhất, nóng nhất và kéo dài nhất từng thấy từ một sao lùn đỏ cận kề. Vụ nổ ban đầu từ loạt vụ nổ lập kỷ lục này mạnh gấp 10.000 lần so với lóe sáng Mặt Trời lớn nhất từng được ghi nhận.[4]

Cận Tinh

Hàng xóm gần nhất của Mặt Trời là Cận Tinh (Proxima Centauri), một ngôi sao lóe sáng, đôi khi trải qua sự gia tăng độ sáng vì hoạt động từ tính.[5] Từ trường của ngôi sao này do sự đối lưu trong khắp vật thể sao và hoạt động lóe sáng sinh ra từ đó tạo ra tổng phát xạ tia X tương tự như phát ra từ Mặt Trời.[6]

Wolf 359

Ngôi sao lóe sáng Wolf 359 là một hàng xóm khác (2,39 ± 0,01 parsec). Ngôi sao này, còn được gọi là Gliese 406 và CN Leo, là một sao lùn đỏ thuộc lớp quang phổ M6.5 phát xạ tia X.[7] Nó là một sao lóe sáng UV Ceti,[8] và có tốc độ lóe sáng tương đối cao.

Từ trường trung bình có cường độ khoảng 2,2 kG (0,2 T), nhưng nó thay đổi đáng kể trên thang thời gian ngắn tới sáu giờ.[9] Để so sánh, từ trường của Mặt Trời trung bình là 1 G (100 μT), mặc dù nó có thể tăng cao tới 3 kG (0,3 T) trong các khu vực vết đen mặt trời hoạt động.[10]

Sao Barnard

Sao Barnard là hệ sao gần thứ tư từ Trái Đất. Với độ tuổi 7-12 tỷ năm của nó, sao Barnard già hơn đáng kể so với Mặt Trời. Từ lâu người ta đã coi nó là yên tĩnh về mặt hoạt động sao. Tuy nhiên, vào năm 1998 các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một lóe sáng sao cực mạnh, cho thấy sao Barnard là một sao lóe sáng.[11][12]

TVLM513-46546

TVLM 513-46546 là một sao lóe sáng M9 có khối lượng rất thấp, ở ranh giới giữa sao lùn đỏ và sao lùn nâu. Dữ liệu từ Đài thiên văn Arecibo ở bước sóng vô tuyến xác định rằng ngôi sao này lóe sáng sau mỗi 7.054 giây với độ chính xác là một phần trăm giây.[13].

2MASS JJ18352154-3123385 A

Thành viên lớn hơn của sao đôi 2MASS J1835, một sao M6.5, có hoạt động tia X mạnh cho thấy nó là một sao lóe sáng, mặc dù cho tới nay người ta vẫn chưa quan sát trực tiếp thấy nó lóe sáng.